Bài học miễn học phí của Nhật Bản

Nhật Bản đã đi lên từ đống đổ nát nhờ một chính sách quyết định: tiền học của học sinh đều được miễn phí, kể cả tiền sách giáo khoa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc, từ năm học 2022-2023. Cá nhân tôi ủng hộ đề xuất này. Giáo dục là nền tảng và là tương lai của một đất nước. Một đất nước giàu mạnh sẽ luôn có môi trường giáo dục tốt.

Nhật Bản đã có chế độ Giáo dục nghĩa vụ từ năm 1872. Lúc đầu, nó không có tính bắt buộc cao nhưng đã được hoàn thiện theo thời gian. Trong Hiến pháp của Nhật Bản ngày nay, tất cả người dân điều có quyền lợi được đi học (hưởng giáo dục ở trường). Cha mẹ có nghĩa vụ cho trẻ em đi học. Nói dễ hiểu, cho con em đi học là nghĩa vụ của tất cả cha mẹ, và đi học cũng là nghĩa vụ của tất cả học sinh (bắt buộc cho sáu năm tiểu học và ba năm trung học).

Trong những năm học này, tiền học của các em học sinh đều được miễn phí, kể cả tiền sách giáo khoa. Đó là lý do người Nhật được giáo dục đồng đều ở một mức nhất định. Bữa ăn ở trường cũng được quy định tùy theo từng vùng. Có nơi học sinh được ăn cơm ở trường miễn phí, có nơi cha mẹ phải trả phí hoặc có nơi học sinh trung học tự đem cơm hộp theo để ăn trưa.

Hiện nay, cơm trưa ở trường tại Nhật Bản chưa được miễn phí trên toàn quốc bởi một số vấn đề như nhiều tỉnh thành không có đủ ngân sách, một số học sinh có dị ứng thực phẩm (bột mì, trứng gà, sữa tươi…) và tính hiệu quả của việc miễn phí chưa cao. Nhưng nhìn chung, chi phí cho giáo dục tiểu học ở Nhật được chính phủ hỗ trợ 90% từ ngân sách nhà nước, phần còn lại được chi trả do ngân sách địa phương thu được từ nguồn thuế.

Sẽ có người phản biện rằng, thu nhập và tiền đóng thuế của người Nhật và người Việt khác nhau lớn, đâu thể đem ra so sánh được. Nhưng hãy thử tưởng tượng, người Nhật đóng thuế được bao nhiêu vào thời điểm những năm 1872? Và chúng ta cũng nên nhớ, Nhật Bản đã phải phục hồi từ đống đổ nát. Có nghĩa là, điều kiện của họ khi đó còn tệ hơn Việt Nam vào thời điểm hiện nay rất nhiều. Nhưng họ vẫn quan tâm giáo dục, coi đó là nền tảng để phát triển đất nước, trước khi có được ngày hôm nay.

Việt Nam chúng ta muốn phát triển, cũng phải cần có một hình mẫu và một mục tiêu nhất định. Tại sao chúng ta không lấy Nhật Bản làm tấm gương để học theo, coi giáo dục là trọng tâm, đẩy mạnh miễn, giảm học phí các cấp? Theo tôi, chuyện này không thể chậm trễ, bằng không, chúng ta sẽ mãi mãi là người đi sau so với thế giới.

Nguồn: VnExpress

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *