Nhật Bản: Ứng dụng robot tại FamilyMart

Trước khi AI phát triển, 100% doanh nghiệp đều sử dụng nhân công để quản lý hàng tồn kho và lưu kho. Nhưng đến với thời kỳ 4.0, với sự tiến bộ của khoa học – công nghệ, các doanh nghiệp đã có thể tự động hóa khâu vận hành.

Công ty khởi nghiệp Telexistence có trụ sở tại Tokyo đang trong quá trình triển khai robot hỗ trợ AI của NVIDIA để sắp xếp và tháo dỡ các kệ hàng tại hệ thống FamilyMart ở Nhật Bản. Nhờ vậy, nhân viên cửa hàng có thể tập trung vào những công việc phức tạp hơn như tương tác với khách hàng.

Tại nhiều nước trên thế giới, robot đã được sử dụng để lưu trữ kho hàng. Các công ty hậu cần cũng đang dựa nhiều vào robot để phân loại sản phẩm và giảm thiểu gián đoạn, rủi ro.

Robot của Telexistence hoạt động trên nền tảng AI và được vận hành bởi NVIDIA Jetson. Công ty cũng đang phát triển các hệ thống dựa trên AI cho khâu hậu cần kho hàng, đơn cử như robot phân loại và chọn gói hàng.

Theo Jin Tomioka, Giám đốc điều hành của Telexistence, công ty có ý định ứng dụng robot vào các ngành công nghiệp và phục vụ đời sống hàng ngày của con người. Tomioka cho biết: “Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là sẽ đưa robot AI vào ứng dụng trong các cửa hàng tiện lợi, đặc biệt là các chi nhánh FamilyMart tại Nhật Bản”.

Một robot do Telexistence phát minh

Robot do Telexistence phát minh có tên là TX SCARA. TX SCARA sẽ được triển khai tại 300 cửa hàng FamilyMart trong tháng 8/2022. Trên TX SCARA có lắp đặt các camera để quét từng kệ hàng. Bên cạnh đó, chức năng AI sẽ xác định hạn sử dụng và số lượng mặt hàng còn lại trên kệ để kịp thời thông báo đến máy chủ nhằm thực hiện các thay đổi, bổ sung.

Trong một số trường hợp hiếm hoi robot đánh giá sai vị trí và số lượng mặt hàng, nhân viên bán hàng không cần can thiệp. Thay vào đó, những giám sát viên từ xa của Telexistence có thể giải quyết tình huống bằng cách điều khiển thủ công qua hệ thống VR tích hợp GPU NVIDIA.

Telexistence ước tính rằng một cửa hàng tiện lợi sẽ cung cấp 1.000 mặt hàng mỗi ngày. Hệ thống đám mây của TX SCARA duy trì cơ sở dữ liệu về doanh số dựa trên tên, ngày, giờ và số lượng các mặt hàng được dự trữ bởi robot. Điều này cho phép AI ưu tiên những mặt hàng cần bổ sung cấp thiết dựa trên dữ liệu bán hàng được cập nhật trên hệ thống.

Hiện tại, Nhật Bản có 56.000 cửa hàng tiện lợi, nhiều thứ ba trên thế giới. Trong số đó, thương hiệu FamilyMart nổi bật hơn cả.

FamilyMart được biết đến là chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng ăn uống nổi tiếng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Với hơn 16.000 cửa hàng tại Nhật Bản, việc đảm bảo chuỗi cung ứng là ưu tiên hàng đầu nhằm giữ chân các khách hàng thành viên và thu hút thêm nhiều đối tượng khách hàng mới.

Được thành lập vào năm 2017, Telexistence vẫn đang trong quá trình ứng dụng robot trong việc bán hàng tại các cửa hàng tiện lợi ở Mỹ. Điều này được coi là cần thiết trong bối cảnh ngành bán lẻ tại xứ sở cờ hoa đang rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động. Tại Mỹ, hơn một nửa số người tiêu dùng được hỏi cho biết họ ghé qua ít nhất một cửa hàng tiện lợi mỗi tháng.

Theo: Công Lý & Xã Hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *